Thuốc Piracetam là thuốc được biết đến nhiều trong điều trị thiểu năng tuần hoàn não và một số bệnh khác. Nhưng trên thực tế loại thuốc này còn bị lạm dụng với mục đích cải thiện nhận thức, tăng trí nhớ. Vậy cần hiểu và dùng đúng về loại thuốc này như thế nào?
Thuốc piracetam có tác dụng gì?
Thuốc piracetam tác động đến não và hệ thần kinh trung ương và bảo vệ hệ não bộ khỏi tình trạng thiếu hụt oxy. Piracetam được dùng phối hợp với một số thuốc khác để trị tình trạng giật rung cơ.
Bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng thuốc này để điều trị triệu chứng rối loạn trí nhớ hoặc rối loạn trí tuệ khi chưa được chẩn đoán suy giảm trí nhớ.
Công dụng của thuốc Piracetam là tác động trực tiếp lên não, cải thiện khả năng dẫn truyền thần kinh trên người bình thường và người có sự thiếu hụt chức năng thần kinh trung ương, làm dịu sự dẫn truyền thần kinh ở não, cải thiện căn bản môi trường chuyển hóa, chức năng thần kinh, phục hồi sự nhận thức, sự nhớ, học tập, tính linh hoạt, tỉnh táo đã bị giảm sút.
Thuốc Piracetam có tác dụng gì khác? Nó còn giúp tăng cường sự đề kháng của não đối với sự thiếu ôxy, glucose bằng cách chống lại những rối loạn chuyển hóa do thiếu máu não cục bộ, bảo vệ não (tăng sự huy động, sử dụng, chuyển hóa ôxy, glucose não; duy trì tổng hợp năng lượng não; tăng cường sự phục hồi tổn thương), phục hồi khả năng nhận thức sau chấn thương não (do giảm ôxy-huyết, nhiễm độc, sau sock điện), cải thiện tình trạng bị mất trí (sau thiếu máu cục bộ não hay nhồi máu não).
Piracetam cũng có ảnh hưởng tốt trên mạch máu ngoại vi và thần kinh ngoại vi. Do có các tính năng trên mà piracetam được chỉ định dùng trong các trường hợp sau:
- Thiểu năng tuần hoàn não (TNTHN) ở người già, nhằm cải thiện tình trạng đau đầu, chóng mặt, suy giảm trí nhớ, thiếu tập trung, thiếu linh hoạt…
- Trong tai biến mạch máu não (TBMMN), tổn thương não (do va đập), để phục hồi tế bào thần kinh bị tổn thương (do thiếu máu thiếu ôxy). Trong TBMMN, piracetam dùng để cấp cứu giúp phục hồi các tế bào thần kinh trong vùng nửa tối hoặc dùng sau khi đã bị TNTHN nhằm ngăn ngừa TBMMN thứ cấp, đồng thời cải thiện một số biểu hiện khác (nhận thức và chứng mất ngôn ngữ). Trong chấn thương sọ não kín ở tuổi thanh thiếu niên: bắt đầu điều trị sau 1,5 – 5 năm sau chấn thương, nhận thấy có cải thiện các chức năng tâm thần (bộ nhớ, thị giác, khả năng chú ý, chấp hành), các chức năng tự động (dáng đi, sự cân bằng, nhịp chân tay). Ở nước ta, ít thấy dùng liệu pháp này.
- Trong chứng chóng mặt, khó đọc, thiếu máu hình liềm, trong co cứng mạch, huyết khối tĩnh mạch sâu, hội chứng Raynaud…
10 năm trở lại đây, các nhà khoa học còn khai thác thêm được tính năng mới của thuốc như: cải thiện trí nhớ cho người bị suy giảm một số chức năng nhận thức do cao tuổi, do bệnh Alzheimer, do hội chứng Downs; Làm tăng hiệu suất nhận thức cho trẻ em khó đọc (do tăng cường giao tiếp giữa các bán cầu não, callosum thể vân và chức năng nhận thức nói chung, chứ không phải cho một nguyên nhân gây khó đọc cụ thể nào). Piracetam cũng tỏ ra có hiệu quả trong suy giảm trí nhớ sau phẫu thuật tim và não, đột qụy; trong chứng mất ngôn ngữ (aphasia), trong cơn động kinh co giật cơ. Piracetam tác động trên các dây thần kinh, cơ bắp nên có thể trợ giúp cho cơ bắp, rèn luyện sự khéo léo khi bị mất thói quen và tính linh hoạt của các hoạt động này. Tuy nhiên, việc vận dụng vào chữa bệnh còn hạn chế.
Và sự lạm dụng thuốc
Piracetam phục hồi lại các tổn thương tế bào thần kinh, cải thiện sự thiếu hụt một vài chức năng thần kinh, do vậy, phục hồi lại một số hoạt động thần kinh (sự nhận thức, nhớ, học tập, tính linh hoạt, tỉnh táo) khi bị giảm sút (do quá tải hay do tổn thương, bệnh tật) về lại mức bình thường như trước đó, chứ không phải là để tăng thêm trí nhớ vốn có, càng không phải làm cho hiểu nhanh hơn, nhớ lâu hơn. Trước đây, chưa hiểu thật rõ như vậy nên piracetam được coi là thuốc hưng trí. Theo đó, học sinh, sinh viên đã lạm dụng piracetam dùng làm thuốc “tăng trí nhớ”.
Dùng thuốc tâm thần như amphetamin làm thuốc tăng trí nhớ sẽ gây hậu quả loạn tâm thần thì đã rõ. Nhưng dùng piracetam với mục đích này cũng không phải vô hại. Khi học quá nhiều, hệ thần kinh quá tải không tiếp thu được nữa thì phải nghỉ ngơi để hệ thần kinh tự phục hồi. Nếu dùng piracetam để tiếp tục học thì vẫn không tiếp thu thêm được bao nhiêu, trái lại, làm hệ thần kinh suy sụp hơn. Trong quá trình học tập phải qua nhiều lần thi cử (tháng, kỳ, cuối năm, cuối cấp) chứ không chỉ thi tốt nghiệp hay đại học.
Nếu không có kế hoạch học tập tốt mà chỉ dựa vào piracetam thì sẽ không đạt hiệu quả, thậm chí còn nguy hiểm. Cần biết thêm khi dùng liều cao piracetam có thể gây lo âu, mất ngủ, kích thích, đau đầu, kích động, căng thẳng. Hơn nữa, nếu dùng piracetam với các thức uống như trà, cà phê (để làm tăng thêm sự tỉnh táo) thì các tác dụng phụ của thuốc trên sẽ nặng nề hơn.
Một vài lưu ý về dùng thuốc
Khi bị TBMMN thì vùng nửa tối (quanh rìa vùng trung tâm tổn thương nặng), các tế bào thần kinh bị thiếu máu, thiếu ôxy nhưng ở mức còn có thể phục hồi được, trong thời gian khoảng 7 giờ ( nghiên cứu mới cho biết có thể đến 9 giờ), sau thời gian hạn định đó, các tế bào ấy sẽ chết hẳn. Do đó, phải dùng piracetam trước 7 giờ, chậm nhất là trước 9 giờ ngay sau khi bị sự cố và dùng dạng tiêm. Sau TBMMN, dùng piracetam chữa TNTHN nhằm tránh TBMMN thứ cấp và cải thiện một số biểu hiện khác, chỉ cần dùng dạng thuốc uống.
Khi bị TNTHN liều dùng theo chỉ định của bác sĩ, nhưng nói chung nên chia tổng liều uống trong ngày ra làm nhiều lần uống, mỗi lần uống cách nhau 4 – 6 giờ hoặc có thể dùng một lần (khi dùng liều thông thường) trong vài ngày đầu thì sẽ đạt hiệu quả tốt.
Trong co cứng mạch, huyết khối tĩnh mạch sâu, hội chứng Raynaud cần dùng liều cao (theo chỉ định của bác sĩ).