Các nhà khoa học trên thế giới đã dự báo rằng: Thức ăn của con người trong thế kỷ XXI sẽ là các thực phẩm chức năng. Các hoạt chất mà thực phẩm chức năng mang lại cho con người chính là những vị thuốc quý, giúp con người phòng và chữa bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo. Đối với nước ta, đây là lĩnh vực có nhiều triển vọng, bởi nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, bởi giàu kinh nghiệm y học cổ truyền, và chúng ta cũng đã đạt được những thành công bước đầu đáng ghi nhận.
Thực phẩm chức năng – Xu hướng của thế giới hiện đại
Những năm gần đây, nhờ những thành tựu mới của công nghệ sinh học (CNSH), một số nước đã tạo ra được các loại thực phẩm thuốc (alicaments) hay còn gọi là thực phẩm chức năng (functional food). Các nước Tây âu gọi đây là dược phẩm dinh dưỡng (nutraceutics) hay thực phẩm bổ sung dinh dưỡng (food suplement ), còn Trung Quốc gọi là thực phẩm bổ dưỡng bảo vệ sức khoẻ. Các loại thực phẩm này nằm ở ranh giới giữa thức ăn và thuốc chữa bệnh. Theo dự báo của các chuyên gia, thì “thức ăn của con người trong thế kỷ XXI là thực phẩm chức năng”. Thức ăn không chỉ đảm bảo đủ calo, ngon, sạch, mà còn phải chứa các hoạt chất sinh học (HCSH) tự nhiên cần cho sức khoẻ và sắc đẹp, không chỉ điều khiển được các hoạt động chức năng của từng bộ phận trong cơ thể, tạo cho con người khả năng miễn dịch cao, chống sự lão hoá, tăng tuổi thọ, mà còn giúp con người phòng chống được một số bệnh, kể cả ung thư.
Công ty Sakyo – Nhật Bản đã đưa ra thị trường loại thức ăn “làm đẹp” (cosmetic food) và nhiều sản phẩm kỳ diệu khác như: Đồ uống có ga cho người có quá nhiều axit và huyết áp cao; chế phẩm từ vây cá mập làm tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể; chế phẩm từ thịt rùa có khả năng chống tai biến mạch máu não. Một số thực phẩm “thông minh” đã xuất hiện ở châu âu có chứa các HCSH cần cho hoạt động của cấu trúc não bộ. Các chế phẩm chống ôxy hoá, chống lão hoá khá phong phú, được bào chế từ các HCSH như selen hữu cơ, carotenoid, các vitamin A, C, E, alinxin, zingerol… và các tiền hormone steroid (từ động vật) có tác dụng khử các gốc tự do, kích hoạt các enzym kháng ôxy hoá trong cơ thể… Trên thị trường của chúng ta đã có không ít loại thực phẩm chức năng của Trung Quốc như: Hải văn huyết nguyên (chế biến từ con ốc vằn), Tinh hoa khẩu phục dịch (dung dịch uống từ hoạt chất có cấu trúc phân tử 1-6 fructose diphotphat), Dung dịch cường lực sĩ (thuốc bổ thận), Viên nang ngự lộc tinh (từ máu hươu + giao cổ lan + phục linh), chế phẩm Khang Thai (sản phẩm hợp tác Mỹ – Trung Quốc dùng cho vận động viên – VĐV)… Ngoài ra còn xuất hiện một số loại thực phẩm chức năng được nhập từ Pháp và Hàn Quốc như Ribozinc, Stimol, Belaf… cung cấp cho cơ thể các nguồn bổ sung vitamin, khoáng chất.
Các nước phát triển có xu hướng ưa chuộng các thực phẩm chức năng hơn là dùng thuốc, theo quan điểm phòng bệnh hơn chữa bệnh. Chính vì vậy, đa số các tập đoàn sản xuất thuốc đang chuyển sang sản xuất thực phẩm chức năng và tìm được đối tượng tiêu thụ lớn hơn. Các chuyên gia kinh tế đã tính toán rằng, doanh thu hàng năm của các loại thực phẩm chức năng đã vượt con số 100 tỷ USD. Tại các nước trong khu vực, việc ứng dụng CNSH trong sản xuất thuốc và thực phẩm chức năng đang được quan tâm đặc biệt. Malaysia đã xây dựng Viện CNSH Dược phẩm nằm trong “Thung lũng CNSH – Bio Valley”; Trung Quốc xây dựng “Thung lũng thuốc” lớn nhất thế giới để sản xuất dược phẩm và là nước có nhiều thành công trong việc nâng cấp công nghệ y dược cổ truyền thành công nghệ cao.
Những thành tựu của công nghệ enzym – một mũi nhọn của CNSH trong việc tạo ra các peptid có chuỗi ngắn, trọng lượng phân tử thấp và có hoạt tính sinh lý, đang mở ra triển vọng mới đóng góp cho sự phát triển của công nghiệp chế biến thực phẩm chức năng theo hướng điều khiển các hệ enzym trong cơ thể. Thí dụ, các dipeptid có tác dụng chống tăng huyết áp, tetrapeptid chống thụ thai, heptapeptid ức chế hình thành di căn, hexa-decapeptid kích thích tăng miễn dịch… Chế phẩm dipeptid (Ile-Tyr) – ức chế ACE (enzym chuyển hoá antegiotensin) tách chiết từ thịt của cá cơm, cá mòi có thể giúp ngư dân, hải quân, thợ lặn làm việc lâu dưới biển vào mùa đông mà vẫn ấm người và không tăng huyết áp. Có thể dự báo rằng, trong tương lai các loại thực phẩm phân tử sẽ thịnh hành. Nó được điều chế từ nhiều chất dinh dưỡng giàu HCSH và các phân tử có hoạt tính, giúp phòng ngừa nhiều bệnh tật, khiến cơ thể vận hành lành mạnh theo đúng thuyết về gen và di truyền.
Tóm lại, nhiều phụ gia có HCSH từ động vật, cây cỏ, vi sinh vật… được đưa vào thành phần thực phẩm chức năng, lại có thể điều khiển được chức năng của từng bộ phận trong cơ thể và phòng chống một số bệnh, kể cả bệnh hiểm nghèo (tăng tạo máu, tăng trí nhớ, tăng hoạt động cơ bắp, tăng miễn dịch, chống lão hoá, chống “bất lực”, chống thụ thai, cai nghiện, chống di căn, phòng ngừa ung thư…). Có thể khẳng định rằng, ngày nay các chất dinh dưỡng chính (đạm, đường, béo…) lại trở thành vai trò phụ, còn các HCSH đưa vào thực phẩm lại trở thành chính yếu. Thức ăn mới này chính là các loại thực phẩm chức năng, sẽ góp phần cụ thể hoá một nguyện vọng xa xưa của loài người trên trái đất: Thức ăn của chúng ta sẽ là những vị thuốc của chúng ta!
Thực phẩm chức năng của Việt Nam – Thành công bước đầu và triển vọng
Đối với nước ta hiện nay, việc nghiên cứu tạo ra các chế phẩm thực phẩm chức năng với phương châm “công nghệ cao, bản sắc cổ truyền” đang là hướng nghiên cứu rất lý thú và có lợi thế, vì lẽ chúng ta có thế mạnh về tài nguyên sinh học nhiệt đới và có kho tàng kinh nghiệm phong phú của y học dân tộc. Từ việc sử dụng bột cóc làm thuốc chống bệnh còi xương cho trẻ em, việc sử dụng côn trùng và các động vật rừng với mục đích bổ dưỡng và làm thuốc chữa bệnh, đến việc sử dụng nhiều loại sản phẩm biển có giá trị dinh dưỡng cao, dược liệu quý có tác dụng “hồi xuân cường lực, cải lão hoàn đồng” như “nhất yến sào, nhì bào ngư”, món ăn “Bát trân” gồm 8 loại hải sản quý phục vụ các bữa yến tiệc trong cung đình khi xưa… Kho tàng kinh nghiệm này không ngừng được bổ sung từ thế hệ này qua thế hệ khác trong quá trình lao động sản xuất, chinh phục thiên nhiên và đang được y sinh học hiện đại soi sáng, chứng minh.
Gần đây, một số thực phẩm chức năng do Việt Nam sản xuất trên cơ sở ứng dụng CNSH để nâng cấp công nghệ cổ truyền, đã được đưa ra thị trường nhằm phục vụ nội tiêu và xuất khẩu. Đó là Pantocrin từ nhung hươu sao Việt Nam, rượu Tam xà, rượu Tắc kè, rượu Hải sâm… Trong đó, rượu bổ Tam xà (kích thích tiêu hoá, tuần hoàn, bổ dương, trị thấp khớp) được sản xuất bằng công nghệ enzym, chất lượng cao, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa thích. Sản phẩm đã được nhận Huy chương vàng tại Hội chợ Triển lãm thành tựu kinh tế kỹ thuật tại Hà Nội, năm 1995. Những năm gần đây, một số sản phẩm từ tài nguyên sinh vật rừng và biển đã được sản xuất dưới dạng viên nang, viên nén, dung dịch uống… trên dây chuyền hiện đại tại nhiều xí nghiệp dược phẩm trong nước. Các sản phẩm này là kết quả nghiên cứu nghiêm túc của các chương trình khoa học và công nghệ do các viện nghiên cứu, các trường đại học trong nước tiến hành. Đó là các chế phẩm nhuận gan, lợi mật, tạo máu, dưỡng não, sáng mắt, tăng cường sinh lực (cho VĐV, lực lượng vũ trang và người lao động), phòng chống ung thư… đang được người tiêu dùng ưa thích. Các sản phẩm này hoàn toàn có thể thay thế hàng ngoại nhập.
Trong thể thao, việc sử dụng các kích tố hoá học tổng hợp đều bị cấm nghiêm ngặt. Việc nghiên cứu, tìm kiếm, khai thác các nguồn HCSH với mục đích tăng cường thể lực cho VĐV đang trở thành một cuộc ganh đua thầm lặng và mang tính bí mật giữa các quốc gia, thậm chí giữa các tỉnh, thành trong một quốc gia. Điều này là dễ hiểu vì nó có liên quan đến số lượng huy chương giành được. Những năm qua, chúng tôi “đã tiến quân ra biển” để tìm kiếm các nguồn HCSH tự nhiên. Dưới sự chỉ đạo của Giáo sư, Viện sỹ Đặng Vũ Minh, phòng thí nghiệm của chúng tôi đã tham gia một chương trình nghiên cứu về HCSH biển và đã có được một số kết quả bước đầu rất đáng khích lệ. Trong chương trình nghiên cứu, chúng tôi đã tiến hành phân tich sinh hoá 4 loài hải sâm ăn được (Holothuria scabra, Actynopyga echinites, Pachithyon rubra, Bahachia graeffei); 4 loài rắn biển ăn được (Lapemis hardwwickii Gray, Hydrophys cyanocintus, Microcephalophys gracillis, Praescula viperina) và loài cầu gai (Echinoidea)… Chúng tôi đã phát hiện được một số HCSH quan trọng có trong thịt của chúng, mà chưa thấy có tài liệu nào công bố: Các hormone steroid, glucozit triterpen, carotenoid, neuropeptid, các axit amin không thay thế được, các nguyên tố vi lượng có hoạt tính sinh lý (Fe, Zn, Cu, Se…). Các phát hiện mới này đã tạo cơ sở khoa học soi sáng cho kinh nghiệm y học cổ truyền và vấn đề quan trọng là đã dẫn chúng tôi đến các giải pháp công nghệ để sản xuất được một số chế phẩm thực phẩm chức năng phục vụ tăng cường sức khoẻ cho VĐV, lực lượng vũ trang và người lao động. Đó là các chế phẩm viên nang Hải sâm (từ hải sâm), Rabiton và Rabitam (từ rắn biển), Hagaton (từ hải long, cầu gai). Công nghệ sản xuất các chế phẩm này đều được tiến hành trên dây chuyền hiện đại của các công ty, xí nghiệp dược như: Xí nghiệp dược Trung ương 25, Công ty Cổ phần Dược Traphaco, và đã đăng ký chất lượng hàng hoá tại Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm, được Bộ Y tế cấp giấy phép sản xuất, lưu hành trong toàn quốc. Tác dụng y sinh học của các chế phẩm đã được nghiên cứu kỹ trong các mô hình thực nghiệm trên động vật, nghiên cứu trên lâm sàng tại Bệnh viện Bạch Mai và cuối cùng là ứng dụng trên VĐV. Kết quả cho thấy: Với liều 600 mg/ngày/người (chế phẩm hải sâm, rắn biển) đã giúp phục hồi, thậm chí phục hồi vượt mức hàng loạt chỉ tiêu sinh lý, nâng cao thể lực và thành tích của tất cả các VĐV trong thực nghiệm. Các chế phẩm này đã góp phần cải thiện tốt các chỉ tiêu tâm lý, hoạt động thần kinh, giúp các VĐV xử lý tốt các tình huống (100% VĐV không mắc lỗi tín hiệu điện tử), các chỉ tiêu thể lực tốt hơn và trong tập luyện đều đạt thành tích cao hơn so với đối chứng. Mới đây, trong một số công trình khoa học (của một nhóm nghiên cứu tiến hành trên 30 học sinh và 30 VĐV, và của 2 luận án Tiến sỹ) đã công bố những phát hiện bổ sung thêm về tác dụng của các chế phẩm hải sâm, Rabiton. Đó là các tác dụng dương tính lên hoạt động chức năng của trung ương thần kinh và tác dụng giải độc của chế phẩm viên nang hải sâm trong trường hợp cơ thể bị nhiễm độc thuốc trừ sâu – Fenobucarb, thuộc nhóm Carbamat đang dùng ở Việt Nam.
Thế giới hiện đại đang có xu hướng quay về với các hợp chất thiên nhiên có trong động vật và cây cỏ, khai thác kinh nghiệm y học cổ truyền và nền văn minh ẩm thực của các dân tộc phương Đông, hạn chế tối đa việc đưa các hoá chất vào cơ thể – thủ phạm của các phản ứng phụ, quen thuốc, nhờn thuốc (hiện nay, 90-95% số nhóm chất quan trọng như kháng sinh, các loại vitamin, các nội tiết tố… có nguồn gốc hoá học tổng hợp). Xu thế này cùng với những thành công bước đầu đã đạt được và những tiềm năng to lớn của chúng ta về tài nguyên sinh học, đó là những cơ sở quan trọng để chúng ta đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất các loại thực phẩm chức năng – một lĩnh vực có nhiều triển vọng.
————————————————-
Tác giả bài viết là GS.TSKH Nguyễn Tài Lương.
Bài đăng trong Tạp chí Hoạt động khoa học
Quang