Canxi là một trong những muối khoáng có chức năng quan trọng trong cơ thể. Canxi tham gia vào các phản ứng chuyển hóa, điều hòa môi trường trong cơ thể như trong mạch máu, trong tế bào…
Đặc biệt là thành phần quan trọng của xương. Xương bao gồm 99% là canxi. Chính vì vậy canxi rất cần thiết cho con người, đặc biệt ở trẻ em là những cơ thể đang lớn cần canxi để phát triển bộ xương, răng, chiều cao.
Nếu không cung cấp đủ canxi, trẻ sẽ thiếu canxi, hậu quả lâu dài là còi xương. Triệu chứng của thiếu canxi biểu hiện từ nhẹ tới nặng như sau: Lúc mới sinh, trẻ hay vặn mình, ọc sữa, ngủ không ngon giấc hay giật mình và có thể bị co giật.
Lớn hơn chút nữa, trẻ sẽ bị rụng tóc vùng chẩm (“chiếu liếm”), đầu méo, lồng ngực biến dạng, thóp chậm liền, chậm mọc răng. Lớn hơn nữa, trẻ sẽ bị biến dạng xương tay, chân (chân vòng kiềng, chân chữ bát, vòng cổ tay, vòng cổ chân…) mà ta thường gọi là còi xương.
Những trẻ này hay bị nhiễm trùng đường hô hấp (ho, viêm phế quản…) vì trẻ giảm sức đề kháng và do lồng ngực bị méo mó nên khí trong phổi không lưu thông tốt nên trẻ dễ bị viêm phổi. Nhu cầu canxi khác nhau theo lứa tuổi: Theo Viện dinh dưỡng quốc gia Việt Nam, nhu cầu canxi cần thiết cho cơ thể là 300 mg cho trẻ dưới 3 tháng, 500 mg cho trẻ từ 6 tháng đến 9 tuổi.
Canxi không được tạo ra trong cơ thể mà phải được cung cấp hằng ngày bởi thức ăn. Những thực phẩm giàu canxi là cua đồng, rạm, sữa và các chế phẩm của sữa, mè, tép, đậu nành và những chế phẩm làm từ đậu nành, trứng… Tuy nhiên, muốn canxi được hấp thu và sử dụng tốt, cơ thể phải có đủ vitamin D.
Nếu không, có khi trẻ vẫn ăn uống đủ canxi mà vẫn bị thiếu canxi. Vì vậy ta còn gọi những trẻ còi xương là “còi xương do thiếu vitamin D”.
Vậy để tránh cho trẻ bị thiếu canxi, khi mang thai, bà mẹ cần ăn uống những chất giàu canxi để trẻ có đủ canxi cho bộ xương của trẻ từ trong bụng mẹ. Một ngày nên uống 2 ly sữa (khoảng 500 ml). Khi sinh ra, trẻ cần được bú sữa mẹ đầy đủ, đồng thời trẻ phải được phơi nắng để cung cấp vitamin D. Khi trẻ biết đi nên cho trẻ chạy chơi ngoài nắng lúc nắng sớm (trước 10 giờ).
Nếu không có điều kiện phơi nắng, phải cho trẻ uống vitamin D. Khi trẻ ăn dặm, phải chọn những thực phẩm giàu vitamin D và phải ăn cả xác thức ăn. Đặc biệt vai trò của sữa trong khẩu phần ăn của trẻ cần được duy trì ít nhất là 500 ml (trẻ nhỏ dưới 3 tuổi) và 300 ml (trẻ lớn hơn 3 tuổi). Và để hấp thụ vitamin D, trong thực phẩm, phải cho thêm dầu hoặc mỡ vào thức ăn của trẻ vì vitamin D là vitamin tan trong dầu.
Lưu ý: Nếu thấy trẻ có các triệu chứng như trên, cần đưa trẻ tới khám chuyên khoa dinh dưỡng hoặc chuyên khoa nhi, không nên tự động mua canxi và vitamin D cho trẻ uống vì như vậy có thể trẻ sẽ bị dư thừa (ngộ độc thừa) cũng không tốt như khi bị thiếu.
Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa